Để trẻ sơ sinh không lây viêm gan siêu vi B từ mẹ

Chào bác sĩ,
Em gái tôi đang mang thai ở tháng thứ 5 và phát hiện bị nhiễm vi rút viêm gan B trong một lần đi khám thai. Hiện em tôi đang rất lo lắng về việc sẽ lây bệnh cho con. Vậy xin hỏi bác sĩ về khả năng nhiễm bệnh của cháu tôi như thế nào, liệu cháu tôi có bị nhiễm vi rút viêm gan B từ mẹ cháu và có cách nào để phòng ngừa không? Xin cảm ơn bác sĩ!
ĐỂ TRẺ SƠ SINH KHÔNG LÂY VIÊM GAN SIÊU VI B TỪ MẸ

Chào bạn.
Một trong những nguyên nhân làm lây lan bệnh viêm gan B là sự lây truyền từ mẹ sang con. Hiện nay, theo ước tính của các nhà chuyên môn, có đến 10-13% thai phụ Việt Nam nhiễm viêm gan siêu vi B. Điều này có nghĩa một số trẻ sơ sinh bị truyền virus này từ mẹ. Sự lây truyền này xảy ra hay không phụ thuộc vào thời điểm nhiễm bệnh và kết quả phản ứng huyết thanh của thai phụ.
Thời điểm nhiễm bệnh của mẹ
Mẹ bị bệnh ở quý I thai kỳ thì tỷ lệ truyền bệnh là 1%.
Mẹ bị bệnh ở quý II thai kỳ thì tỷ lệ truyền bệnh là 10%.
Mẹ bị bệnh ở quý III thai kỳ thì tỷ lệ truyền bệnh là 60-70%.
Kết quả xét nghiệm huyết thanh:
Mẹ có HBsAg (+) và HBeAg (+), tỷ lệ truyền bệnh 90-100%.
Mẹ có HBsAg (+) và HBeAg (-), tỷ lệ truyền bệnh 20%.
(Lưu ý: HBeAg (+) là biểu hiện siêu vi B đang sinh sản theo phương cách tách đôi và là dấu hiệu cho thấy siêu vi đang tăng mạnh).
Dựa vào cách xác định trên, em gái của bạn có nhiều khả năng là không lây bệnh sang cho thai nhi. Tuy nhiên, để biết chính xác còn phải dựa vào kết quả xét nghiệm huyết thanh. Do đó, bạn nên đưa em gái bạn đi khám và xét nghiệm huyết thanh ngay để biết chính xác và có biện pháp phòng ngừa cho thai nhi nhanh và tốt nhất.
Sau khi xét nghiệm huyết thanh sẽ có hai trường hợp, Một là khả năng lây nhiễm rất ít. Khi đó gia đình bạn có thể yên tâm và chỉ cần tuân thủ theo một số cách phòng ngừa bệnh cho thai nhi đơn giản là có thể phòng bệnh cho bé an toàn. Tường hợp xét nghiệm huyết thanh cho kết quả khả năng lây nhiễm cao thì cách khắc phục và phòng tránh có chút phức tạp. Khi đó, em của bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt các quá trình và chỉ định của bác sĩ.
Cách phòng tránh bệnh viêm gan B cho thai nhi
– Thai phụ sẽ phải tiêm vaccin phòng bệnh cho thai nhi và phải được theo dõi thường xuyên. Tới khi thai kỳ ở tuần thứ 32 thì tiêm thuốc kháng vi rút để tránh nhiễm bệnh cho bé.
Đặc biệt, nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi có thể lên tới 90% nếu bà mẹ không có biện pháp bảo vệ ngay sau khi sinh, 50% số trẻ này sẽ bị viêm gan mãn tính và có nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.
Tỷ lệ trẻ bị viêm gan B cấp ngay sau khi sinh là 5-7% và không có biểu hiện triệu chứng. Cơ chế lây bệnh lúc sinh và sau sinh chưa rõ ràng (có thể qua nhau thai khi chuyển dạ?). Vì thế khi cháu bạn được sinh ra sẽ phải đảm bảo việc theo dõi tình hình lây nhiễm cho kết quả âm tính cho tới khi bé tròn 12 tháng tuổi. Khi đó, cháu của bạn sẽ được tiêm huyết thanh đặc hiệu chống siêu vi B (Ig anti-HB) ngay trong phòng sinh 100 đơn vị quốc tế. Tiếp sau đó, tiêm vaccine viêm gan B ở một vị trí khác trên cơ thể trẻ sơ sinh theo công thức 3 mũi (mũi 1 sau khi sinh, mũi 2 khi trẻ 1 tháng tuổi, mũi 3 khi trẻ được 6-12 tháng). Sau 15 năm tiêm nhắc lại.
– Trong quá trình cho con bú cũng có thể lây bệnh. Do đó, em gái bạn cũng cần được tiêm vaccin phòng ngừa. Các loại vaccine này không chống chỉ định với phụ nữ có thai và cho con bú.
Nếu trẻ đã được bảo vệ bằng huyết thanh và vaccine thì vẫn cho trẻ bú mẹ vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, có nhiều kháng thể giúp trẻ chống được bệnh tật. Hai hội nghị chuyên gia Âu Mỹ gần đây không coi là chống chỉ định việc các bà mẹ nhiễm siêu vi B cho con bú vì chưa chứng minh được sự lây nhiễm qua đường sữa.
Thêm một lưu ý nữa cho em gái bạn là trong quá tình nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ trong những tháng tiếp theo, siêu vi không tồn tại lâu khi ra ngoài cơ thể, nhưng dụng cụ và đồ đạc bị vấy máu bệnh nhân dù đã khô vẫn có thể truyền bệnh trong một thời gian ngắn. Vì vậy các dụng cụ này cần được lau rửa bằng thuốc sát trùng như Javel 10%.
Chúc gia đình bạn hạnh phúc!

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

messenger