Nổi mụn, ngứa toàn thân do gan

Chỉ nặng khoảng hơn 1 kg nhưng gan được ví như tổ hợp các nhà máy chuyển hóa phức tạp của cơ thể. Gan tham gia vào quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng, đồng thời khử độc và loại trừ độc tố ra ngoài cơ thể. Chính vì thế gan rất dễ bị nhiễm độc và mắc phải nhiều căn bệnh nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Khi mắc các bệnh về gan ta thường dễ nhận biết với những biểu hiện bên ngoài da. Nếu da bạn có các biểu hiện bất thường như vàng da, mẩn ngứa, u vàng, ban đỏ ở lòng bàn tay… thì hãy nghĩ ngay tới bệnh gan. Đừng chần chừ hãy đến ngay các cơ sở y tế để được làm các xét nghiệm chuẩn đoán bệnh gan nhé. Dưới đây là một vài đặc điểm của các biểu hiện ngoài da do bệnh gan gây ra.
Xem thêm:  

NỔI MỤN, NGỨA TOÀN THÂN DO GAN

Một vài dấu hiệu của bệnh gan:
Vàng da: Là biểu hiện quan trọng nhất của tình trạng tăng bilirubin (sắc tố mật) trong máu, thường có thể được nhận biết khi nồng độ bilirubin vượt quá 2,5 – 3 mg/dL. Màu sắc của da có thể phản ánh mức độ tăng của bilirubin, trong đó, da thường có màu vàng nhạt khi bilirubin tăng nhẹ và màu vàng sậm hoặc ngả nâu khi bilirubin tăng cao. Một trong những chức năng cơ bản của gan là chuyển hóa bilirubin gián tiếp trong máu thành dạng trực tiếp có thể bài tiết qua phân. Các tổn thương tại gan như viêm gan do virus, nhiễm độc gan do thuốc… thường gây tăng cả bilirubin trực tiếp và gián tiếp trong máu.

Sẩn ngứa: Có thể là biểu hiện của một bệnh lý ngoài da đơn thuần hoặc nằm trong bệnh cảnh của một rối loạn mang tính hệ thống hoặc do các bệnh lý tại gan. Gan làm nhiệm vụ trung hòa độc tố và đào thải muối mật, nếu chức năng gan bị suy giảm, những tác nhân này có thể bị tích tụ trong cơ thể và lắng đọng ở da, gây kích ứng và sẩn ngứa. Trong các bệnh lý gan có ứ tắc mật cơ đường mật tiên phát và tắc đường mật do sỏi, tình trạng sẩn ngứa thường lan tỏa nhưng nặng hơn ở chân và tay.
Mặc dù mức độ của sẩn ngứa không có liên quan trực tiếp với nồng độ của các độc tố và muối mật, nhưng các biện pháp điều trị giảm nồng độ muối mật có thể giúp giảm bớt triệu chứng ngứa. Điều trị sẩn ngứa trong bệnh gan thường gặp rất nhiều khó khăn. Điều trị khởi đầu là sử dụng chất resin trao đổi anion có tác dụng hấp thu các phân tử acid mật như cholestyramine, với liều 4g/ngày, tăng dần đến 24g/ngày, chia 2 lần uống trong bữa ăn. Nếu tình trạng sẩn ngứa không đáp ứng với cholestyramine hoặc người bệnh không dung nạp được với thuốc, có thể điều trị thử bằng thuốc chống lao rifampin, thuốc này có tác dụng thúc đẩy chuyển hóa các chất gây ngứa nội sinh và có hiệu quả giảm ngứa do ứ mật khi được dùng với liều khởi đầu 150mg/ngày và tăng dần lên tới 600mg/ngày, tùy thuộc vào đáp ứng lâm sàng.
Các thuốc dòng thứ 3 có thể được dùng thử là các dẫn xuất kháng thuốc phiện như naltrexone và nalmefene. Gạn huyết tương có thể được cân nhắc sử dụng nếu điều trị bằng thuốc thất bại. Các phương pháp điều trị khác mang tính thực nghiệm bao gồm thay huyết tương, điều trị chống ôxy hóa, chiếu tia hồng ngoại và ghép gan.
Sẩn cục: Được đặc trưng bởi sự tạo thành các cục rắn chắc, có vảy và ngứa nhiều, thường đi liền với các vết trầy xước, thâm đen hoặc sẹo do gãi thường xuyên. Nguyên nhân thường gặp của sẩn cục trong các bệnh gan là các loại viêm gan do virut như viêm gan C, viêm gan B… Cơ chế chính xác gây ra sẩn cục trong các bệnh gan còn chưa được biết và phác đồ điều trị chuẩn đối với tình trạng tổn thương này vẫn chưa được xác định, tuy nhiên, trong thực tế, điều trị với thuốc kháng histamin và corticosteroid bôi tại chỗ hoặc tiêm tại chỗ có thể giúp kiểm soát triệu chứng ở phần lớn bệnh nhân. Liều thấp của thalidomide cũng đã được dùng thử an toàn và hiệu quả.
Sao mạch: Biểu hiện là các đốm đỏ nhỏ, nổi gờ nhẹ trên mặt da và từ đó tỏa ra các nhánh mạch máu nhỏ, có thể gặp ở mọi vị trí trên cơ thể nhưng thường ở mặt và thân mình, thường gặp trong xơ gan. Bản thân sao mạch thường vô hại và không gây triệu chứng gì cho người bệnh nên không đòi hỏi phải được điều trị.
Ban đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân: Là tình trạng biến màu đỏ thẫm ở lòng bàn tay bàn chân, thường gặp nhất trên ô mô út. Biểu hiện này có thể gặp trong nhiều loại bệnh lý khác nhau ở gan, nhưng hay gặp nhất là bệnh gan do rượu và xơ gan. Các bệnh lý này gây rối loạn thăng bằng androgen của cơ thể dẫn đến giãn mạch khu trú và nổi ban đỏ.
U vàng: Được tạo thành do sự lắng đọng của cholesterol ở dưới da, thường biểu hiện là các mảng mềm, ranh giới rõ, màu vàng và không đau, có thể to ra trong vòng vài tuần. U vàng trong bệnh gan thường là biểu hiện của tình trạng tăng cholesterol máu thứ phát, gặp trong xơ gan ứ mật tiên phát và các bệnh gan có ứ mật khác. Điều trị tổn thương này cần phối hợp giữa dùng thuốc hạ mỡ máu và can thiệp tại chỗ như chiếu laser hoặc phẫu thuật lấy bỏ.
Xem thêm:
Một số biểu hiện khác: suy giảm chức năng gan thường gây giảm số lượng tiểu cầu và thiếu hụt các yếu tố đông máu, hậu quả gây ra các đám xuất huyết hoặc bầm tím trên da, có thể xuất hiện ngay cả sau các sang chấn nhẹ hoặc tự nhiên. Tăng sắc tố da cũng có thể gặp trong xơ gan và bệnh gan do rượu. Suy giảm chức năng tế bào gan còn có thể gây rụng tóc và các biến loạn ở móng tay, móng chân như bạch sản móng, mất móng.

Bình luận

  1. Nguyễn Văn Của says: Trả lời

    Chào bác sĩ cháu bị nổi mụn và ngứa toàn thân chủ yếu la ở 2 tay và chân .ban ngày thì ngứa ngáy khó chịu ban đêm cũng thế. Không biết có phải do gan gây ra không ạ làm sao để chữa khỏi và nên uống thuốc gì ạ.mong bác sĩ giúp đỡ cháu với ạ

Your email address will not be published. Required fields are marked *

messenger